Dị ứng thuốc kháng sinh: Nhận biết & xử lý sớm tránh biến chứng
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà
Kháng sinh là vũ khí không thể thiếu trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, với một số người, kháng sinh lại trở thành “con dao hai lưỡi” do cơ thể phản ứng quá mẫn dẫn đến tình trạng dị ứng thuốc kháng sinh. Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được xử lý đúng cách.
I – Tìm hiểu về thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh (Antibiotics) là loại thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn – những vi sinh vật gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, áp-xe…
Lưu ý: Kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, không hiệu quả với virus gây bệnh (ví dụ: cảm cúm, sốt siêu vi, COVID-19).
1. Phân loại thuốc kháng sinh
Kháng sinh được chia theo nhiều cách, trong đó phổ biến nhất là:
Theo phổ tác dụng:
– Kháng sinh phổ hẹp: Tác dụng trên một nhóm vi khuẩn cụ thể
– Kháng sinh phổ rộng: Tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn
Theo cơ chế tác dụng:
– Ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn
– Ức chế tổng hợp protein
– Ức chế tổng hợp Acid Nucleic (DNA/RNA)
– Phá vỡ màng tế bào
2. Khi nào cần dùng thuốc kháng sinh?
Bạn chỉ nên dùng kháng sinh khi:
– Có bệnh nhiễm khuẩn được Bác sĩ chẩn đoán rõ ràng (viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm trùng da…)
– Có bằng chứng xét nghiệm hoặc triệu chứng phù hợp với nhiễm khuẩn
Không dùng kháng sinh cho các bệnh do virus: Cảm lạnh, đau họng nhẹ, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, thủy đậu…
Kháng sinh không nên dùng bừa bãi
3. Những sai lầm phổ biến khi dùng kháng sinh
Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi dùng kháng sinh:
– Tự ý mua kháng sinh không cần đơn
– Ngưng thuốc giữa chừng khi thấy đỡ
– Dùng lại kháng sinh cũ từ lần bệnh trước
– Dùng dư liều để “mau khỏi”
Những hành vi này có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, làm thuốc mất tác dụng, khiến việc điều trị sau này khó khăn và tốn kém hơn.
5. Tác dụng phụ và rủi ro của thuốc kháng sinh
Khi sử dụng kháng sinh, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn, chẳng hạn như:
– Tiêu chảy, buồn nôn, đầy bụng
– Dị ứng nhẹ đến sốc phản vệ
– Rối loạn hệ vi sinh đường ruột
– Nhiễm nấm do mất cân bằng hệ vi khuẩn
– Tổn thương gan, thận (ở một số kháng sinh mạnh)
II – Dị ứng kháng sinh là gì?
Dị ứng thuốc kháng sinh là phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một hoặc nhiều thành phần trong thuốc kháng sinh. Khác với tác dụng phụ thông thường, dị ứng là phản ứng dị nguyên – miễn dịch, có thể xuất hiện sau liều đầu tiên hoặc sau nhiều lần tiếp xúc.
Các nhóm kháng sinh thường gây dị ứng bao gồm:
– Nhóm Penicillin và Cephalosporin: chiếm phần lớn các ca dị ứng.
– Nhóm Sulfonamide: dễ gây nổi mẩn, sốt hoặc các hội chứng nặng.
– Nhóm Macrolide, Quinolone, Tetracycline: ít hơn nhưng vẫn có thể gây phản ứng.
III – Nguyên nhân gây nên dị ứng thuốc kháng sinh
Dị ứng thuốc kháng sinh là phản ứng của hệ miễn dịch khi nhầm lẫn thành phần trong thuốc là “chất gây hại” và tạo ra phản ứng bảo vệ quá mức. Tình trạng này không phụ thuộc vào liều lượng thuốc mà chủ yếu liên quan đến cơ địa của người bệnh. Dưới đây là 6 nguyên nhân phổ biến gây dị ứng thuốc kháng sinh:
1. Phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch
Đây là cơ chế gốc rễ của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc kháng sinh. Khi thuốc đi vào cơ thể, một số phân tử thuốc hoặc chất chuyển hóa từ thuốc có thể liên kết với protein trong cơ thể, tạo thành tổ hợp kháng nguyên – kháng thể lạ.
Hệ miễn dịch nhầm lẫn tổ hợp này là tác nhân gây hại và kích hoạt hàng loạt phản ứng bảo vệ, trong đó có giải phóng các chất trung gian như Histamin, Leukotrien và Cytokine (đây là chất trung gian gây dị ứng), gây ra các triệu chứng:
– Phát ban, nổi mề đay, ngứa ngáy
– Khó thở, tức ngực
– Sốc phản vệ nếu phản ứng quá mạnh
– Mức độ phản ứng phụ thuộc vào loại thuốc, cơ địa miễn dịch và mức độ nhạy cảm của từng người.
2. Cơ địa dị ứng hoặc yếu tố di truyền
Một số người có hệ miễn dịch nhạy cảm bẩm sinh, được gọi là cơ địa dị ứng. Đây là những người dễ gặp các bệnh lý dị ứng như:
– Viêm da cơ địa
– Hen phế quản
– Viêm mũi dị ứng
– Dị ứng thực phẩm, lông động vật, phấn hoa…
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò đáng kể. Nếu trong gia đình có người từng bị dị ứng với thuốc kháng sinh, nguy cơ bị dị ứng ở thế hệ sau cao hơn người bình thường.
Trẻ có nguy cơ cao hơn nếu cha mẹ từng bị dị ứng với kháng sinh, đặc biệt là kháng sinh như penicillin
3. Tiền sử từng dị ứng với thuốc kháng sinh
Việc đã từng bị dị ứng với một loại thuốc kháng sinh là dấu hiệu cảnh báo quan trọng. Khi đã có phản ứng trong lần sử dụng trước, cơ thể sẽ “ghi nhớ” phản ứng đó, và có thể phản ứng mạnh hơn nếu tái sử dụng cùng loại thuốc, thậm chí sau nhiều năm.
Đặc biệt, dị ứng với Penicillin là phổ biến nhất. Người từng dị ứng với Penicillin nên thận trọng với các nhóm kháng sinh có cấu trúc tương tự (như Cephalosporin).
4. Lạm dụng hoặc dùng kháng sinh sai cách
Việc sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định là nguyên nhân làm tăng nguy cơ dị ứng, cụ thể như:
– Tự ý mua và dùng thuốc mà không qua thăm khám
– Dùng sai liều, sai thời gian hoặc không đủ liệu trình
– Kết hợp nhiều loại kháng sinh cùng lúc gây tương tác thuốc
– Dùng thuốc cũ, quá hạn hoặc lưu trữ không đúng cách
– Lạm dụng kháng sinh còn khiến vi khuẩn kháng thuốc, khiến người bệnh phải sử dụng các loại thuốc mạnh hơn, phức tạp hơn – vốn dễ gây dị ứng hơn.
5. Phản ứng chéo giữa các nhóm thuốc
Một số kháng sinh có cấu trúc hóa học tương đồng có thể gây phản ứng chéo. Tức là bạn chưa từng dùng loại thuốc đó nhưng vẫn bị dị ứng do hệ miễn dịch “nhận nhầm” chúng với loại đã từng dị ứng.
6. Dị ứng với tá dược, chất bảo quản trong thuốc
Không chỉ hoạt chất chính, một số trường hợp dị ứng còn bắt nguồn từ:
– Tá dược tạo màu, tạo mùi
– Chất bảo quản, chất ổn định trong thuốc
– Dung môi trong các thuốc tiêm, nhỏ mắt
Các thành phần này đôi khi không được chú ý đến nhưng lại chính là nguyên nhân gây kích ứng, nổi mẩn hoặc thậm chí sốc phản vệ ở người nhạy cảm.
IV – Triệu chứng dị ứng thuốc kháng sinh
Dưới đây là các biểu hiện thường gặp, chia theo mức độ nhẹ, trung bình và nặng:
1. Dấu hiệu ngoài da (Mức độ nhẹ)
Đây là nhóm biểu hiện dễ nhận biết và thường gặp nhất:
– Nổi mẩn đỏ hoặc phát ban khắp cơ thể hoặc vùng dùng thuốc
Đây là biểu hiện phổ biến nhất của dị ứng thuốc. Mẩn có thể xuất hiện rải rác hoặc tập trung ở một vùng như tay, ngực, lưng, cổ. Da thường không sưng phù rõ, chỉ thấy những nốt hoặc mảng đỏ, hơi sần, không phồng rộp.
– Ngứa da, thường kéo dài hoặc lan rộng
Người bệnh cảm thấy ngứa âm ỉ hoặc ngứa râm ran tại vùng có mẩn, thường không dữ dội. Ngứa có thể lan nhẹ, nhưng không kèm theo sưng, nóng, đau. Đặc biệt, cảm giác ngứa thường tăng vào ban đêm hoặc khi đổ mồ hôi.
– Da nhạy cảm bất thường khi chạm vào
Da trở nên nhạy hơn bình thường, dễ bị kích ứng khi cọ xát, chạm nhẹ. Một số người có thể cảm thấy râm ran hoặc châm chích nhẹ tại vùng da tiếp xúc với thuốc bôi ngoài da hoặc nơi nổi mẩn.
Không kèm theo tổn thương sâu hay viêm loét.
Dấu hiệu ngoài da là những biểu hiện phổ biến nhất khi bị dị ứng thuốc kháng sinh
2. Dấu hiệu trung bình
– Nổi mề đay dạng mảng sẩn phù (kèm sưng nhẹ mí mắt, môi)
Là dạng nổi mẩn lan rộng, từng mảng gồ lên mặt da, có ranh giới rõ. Cảm giác ngứa thường dữ dội hơn so với phát ban nhẹ, gây khó chịu rõ rệt. Mề đay có thể xuất hiện đồng thời với sưng mí mắt, môi, thậm chí vùng má, báo hiệu phản ứng miễn dịch lan rộng hơn bình thường. Mặc dù chưa gây nghẹt thở hoặc choáng, nhưng đây là biểu hiện tiền đề của sốc phản vệ nếu sưng lan xuống vùng họng.
– Phồng rộp da nhỏ lẻ, bong tróc từng mảng nhỏ
Có thể là những mụn nước nhỏ hoặc vùng da rộp nhẹ như bị bỏng. Sau vài ngày, vùng da này có thể khô lại và bong tróc, để lộ lớp da non bên dưới. Hay gặp ở vùng lưng, ngực, tay chân; ít khi ở mặt.
– Sốt nhẹ hoặc sốt cao đột ngột
Không phải do nhiễm trùng, mà là phản ứng miễn dịch toàn thân với thuốc. Thường đi kèm phát ban, nổi mề đay hoặc các triệu chứng tiêu hóa. Sốt cao trên 38.5°C xuất hiện sau khi dùng thuốc vài giờ đến vài ngày là dấu hiệu cần báo Bác sĩ.
– Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy
Là phản ứng của hệ tiêu hóa với thuốc hoặc là dấu hiệu phản ứng dị ứng toàn thân. Có thể nhầm lẫn với ngộ độc thực phẩm, nhưng nếu xuất hiện sau khi dùng thuốc vài giờ đến 1–2 ngày, nên nghĩ đến dị ứng. Một số trường hợp có biểu hiện giống viêm ruột do thuốc.
– Chóng mặt, mệt mỏi
Là phản ứng của cơ thể khi hệ miễn dịch bị kích hoạt mạnh. Người bệnh có thể cảm thấy choáng váng, đau đầu nhẹ, đứng lên ngồi xuống dễ bị xây xẩm.
Nếu mệt mỏi kèm theo nổi mề đay hoặc sốt, nguy cơ cao là phản ứng dị ứng toàn thân.
Chóng mặt, mệt mỏi thường bị nhầm lẫn là do tác dụng phụ thông thường
– Da xanh xao, lạnh tay chân (chưa tụt huyết áp)
Là dấu hiệu cảnh báo sắp xảy ra phản ứng nghiêm trọng hơn, như tụt huyết áp hay sốc phản vệ. Da tái, lạnh bất thường là do mạch máu co lại khi cơ thể bắt đầu phản ứng quá mẫn. Tuy chưa nguy hiểm ngay lập tức, nhưng đây là tín hiệu đỏ cho thấy cơ thể không dung nạp thuốc.
3. Dấu hiệu nặng
– Khó thở, thở khò khè
Biểu hiện khi đường hô hấp bị co thắt do phản ứng miễn dịch. Người bệnh thở gấp, rút lõm ngực, mặt tái, đôi khi có tiếng rít khi hít vào và thở ra. Thường xảy ra nhanh chóng, chỉ sau vài phút, vài giờ kể từ khi dùng thuốc. Có thể đi kèm sưng lưỡi hoặc họng khiến đường thở bị bóp nghẹt.
– Cảm giác nghẹn họng, tức ngực
Bệnh nhân có thể cảm thấy cổ họng bị chẹn lại, khó nuốt, đau khi thở. Ngực có cảm giác đè nén, không thể hít sâu, thường gây hoảng loạn. Đây là biểu hiện của phản ứng phản vệ cấp độ hô hấp, tim mạch.
– Sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc họng
Gọi là phù mạch, xảy ra khi các mạch máu nhỏ dưới da rò rỉ dịch do phản ứng dị ứng. Biểu hiện là sưng đột ngột vùng miệng, má, mắt, lưỡi, cổ, rất dễ gây nghẹt thở. Có thể đi kèm với nổi mề đay hoặc không.
– Khàn giọng đột ngột
Là dấu hiệu dây thanh quản hoặc đường thở đang bị phù nề, một triệu chứng cảnh báo sớm của phản ứng dị ứng đường hô hấp. Giọng nói trở nên yếu ớt, khàn đi, không rõ tiếng, đi kèm cảm giác khó nói.
– Tụt huyết áp, choáng váng, ngất xỉu
Là biểu hiện rõ của sốc phản vệ, giai đoạn nguy hiểm nhất của dị ứng. Xảy ra khi dị ứng gây giãn mạch toàn thân, làm huyết áp sụt giảm nhanh. Người bệnh có thể hoa mắt, mặt trắng bệch, chân tay lạnh, mất ý thức.
– Sốc phản vệ
Là phản ứng dị ứng nặng cấp tính, thường xảy ra trong vài phút đến 1 giờ sau khi dùng thuốc. Biểu hiện khó thở, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, da xanh tái, vã mồ hôi, có thể co giật hoặc hôn mê. Diễn tiến nhanh, có thể gây tử vong trong vòng vài phút nếu không cấp cứu kịp.
Sốc phản vệ xảy ra nhanh chóng sau khi dùng một loại kháng sinh mà cơ thể bị dị ứng
– Hội chứng Stevens-Johnson / Lyell (phồng rộp toàn thân, bong tróc da diện rộng)
Da xuất hiện mụn nước, bọng nước, sau đó bong tróc thành từng mảng lớn, như bị bỏng. Kèm theo sốt cao, đau rát, tổn thương niêm mạc mắt, miệng, sinh dục.
Hội chứng Lyell là mức độ nặng hơn, gây mất lớp biểu bì rộng toàn thân. Tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị trong điều kiện hồi sức cấp cứu.
– Viêm gan do thuốc, viêm thận kẽ, rối loạn đông máu
Dị ứng kháng sinh không chỉ ảnh hưởng ngoài da mà có thể tổn thương cơ quan nội tạng. Dấu hiệu vàng da, nước tiểu sẫm màu, phù chân, tiểu ít, chảy máu cam, bầm tím không rõ nguyên nhân… Cần xét nghiệm chức năng gan, thận và đông máu để chẩn đoán và xử lý kịp thời.
V – Dị ứng kháng sinh có tự hết không? Bao lâu thì hết?
Dị ứng kháng sinh có thể tự hết, nhưng người bệnh không nên chủ quan.
– Trường hợp nhẹ: Có thể tự hết
Các triệu chứng thường thuyên giảm sau 1 – 3 ngày kể từ khi ngừng thuốc, đặc biệt nếu được hỗ trợ bằng thuốc kháng histamin.
– Trường hợp trung bình đến nặng: Không thể tự hết
Thời gian hồi phục khi dị ứng nặng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí vài tháng nếu có tổn thương da nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng.
VI – Cần làm gì khi bị dị ứng thuốc kháng sinh?
Dị ứng thuốc kháng sinh có thể từ nhẹ đến rất nguy hiểm. Việc xử lý đúng ngay từ đầu giúp ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ tính mạng. Dưới đây là các bước xử lý chi tiết, tương ứng với từng mức độ phản ứng.
1. Nguyên tắc chung
– Ngưng ngay thuốc kháng sinh nghi ngờ gây dị ứng và ghi nhớ tên thuốc, dạng bào chế, thời điểm dùng gần nhất
– Không tự ý dùng thêm thuốc khác khi chưa có chỉ định
2. Xử lý khi dị ứng thuốc kháng sinh ở mức độ nhẹ tại nhà
– Ngưng thuốc ngay lập tức
– Rửa sạch vùng da bị mẩn ngứa, có thể bôi kem có chứa thành phần chiết xuất rau má để giảm ngứa,…
( Xem thêm: Kem rau má Yoosun công dụng )
– Dùng thuốc kháng histamin (theo hướng dẫn bác sĩ)
– Uống nhiều nước, nghỉ ngơi
– Theo dõi triệu chứng trong 24 – 48 giờ:
+ Nếu hết ngứa và không lan rộng, bạn yên tâm theo dõi thêm.
+ Nếu nặng lên, bạn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời
3. Xử lý khi bị dị ứng thuốc kháng sinh mức độ trung bình
– Ngưng thuốc ngay và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất
– Mang theo tất cả loại thuốc đang dùng (gồm kháng sinh và các thuốc khác) để bác sĩ kiểm tra.
Nếu nghi dị ứng, hãy mang cả vỏ thuốc (dù đã dùng hết) để dễ truy xuất thông tin hoạt chất
4. Xử lý khi bị dị ứng kháng sinh mức độ nặng, sốc phản vệ
– Cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời
VII – Bị dị ứng thuốc kháng sinh nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc làm dịu phản ứng dị ứng, hỗ trợ giải độc gan, tăng sức đề kháng và rút ngắn thời gian hồi phục. Dưới đây là những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị dị ứng thuốc kháng sinh:
Nên ăn | Kiêng ăn |
Cháo loãng, cơm mềm: Dễ tiêu, giảm gánh nặng tiêu hóa | Hải sản (tôm, cua, mực…): Có thể gây kích ứng nặng thêm |
Rau xanh, trái cây giàu vitamin A, C, E: Tăng sức đề kháng, chống viêm | Trứng, đậu phộng, sữa bò: Nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng chéo |
Thực phẩm mát, thanh nhiệt (rau má, atiso, đậu xanh, nước dừa…): Hỗ trợ thải độc gan | Thịt đỏ, món chiên rán, nội tạng: Gây nóng trong, khó tiêu |
Trái cây dễ tiêu: chuối, táo giúp làm dịu hệ tiêu hóa | Gia vị cay nóng (ớt, tiêu, mù tạt): Kích thích phản ứng viêm da |
Sữa chua không đường, yến mạch: Bổ sung lợi khuẩn đường ruột | Đồ ngọt, nước ngọt có gas, đồ đóng hộp: Chứa phụ gia, dễ kích ứng |
Uống nhiều nước lọc (1.5–2l/ngày): Thải độc tố nhanh hơn | Rượu bia, cà phê, thuốc lá: Làm gan yếu, kéo dài phục hồi |
VIII – Thắc mắc thường gặp khi bị dị ứng thuốc kháng sinh
Dưới đây là những câu hỏi thực tế nhất mà bệnh nhân thường đặt ra cùng lời giải đáp từ góc nhìn chuyên môn, giúp bạn chủ động hơn trong mỗi lần dùng thuốc.
1. Đã dị ứng kháng sinh một lần, lần sau uống lại có sao không?
Nếu đã dị ứng kháng sinh một lần, bạn có khả năng cao bị dị ứng ở lần sau. Lần sau dễ phản ứng thường nặng hơn lần trước. Vì thế, bạn không được dùng lại thuốc đã từng gây dị ứng, kể cả khi triệu chứng lần đầu nhẹ.
2. Có cần đi test dị ứng kháng sinh không?
Nếu bạn từng bị dị ứng nặng với thuốc, bác sĩ có thể chỉ định test da (skin test) hoặc test kích thích trong môi trường kiểm soát. Bạn không nên tự làm ở nhà.
3. Dị ứng thuốc kháng sinh có lây không?
Dị ứng kháng sinh không lây vì đây là phản ứng miễn dịch của cơ thể người dùng thuốc, không lây từ người này sang người khác.
4. Trẻ em có bị dị ứng thuốc kháng sinh không?
Trẻ em là đối tượng dễ bị dị ứng hơn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Vì thế, người lớn cần đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc lần đầu cho trẻ.
Nếu trẻ từng dị ứng, nên xin bác sĩ kê thẻ dị ứng thuốc để mang theo khi đi khám
5. Dị ứng thuốc kháng sinh có di truyền không?
Dị ứng kháng sinh không di truyền trực tiếp, nhưng người có người thân từng bị dị ứng thuốc có nguy cơ cao hơn.
6. Dị ứng thuốc kháng sinh có ảnh hưởng đến gan, thận không?
Một số phản ứng dị ứng gây tổn thương gan, thận, máu, đặc biệt nếu không được xử lý kịp thời hoặc dùng sai thuốc sau dị ứng.
7. Bị dị ứng với kháng sinh nhẹ rồi, có cần đi khám không?
Dù triệu chứng nhẹ, bạn vẫn nên đi khám để Bác sĩ ghi nhận vào hồ sơ bệnh án, tránh tái sử dụng thuốc tương tự trong tương lai.
8. Dị ứng thuốc có để lại sẹo không?
Nếu có phản ứng phồng rộp, bong da, hoại tử nhẹ, tổn thương da có thể để lại sẹo thâm, sẹo lồi nếu không chăm sóc đúng cách.
Dị ứng thuốc kháng sinh là phản ứng không thể xem nhẹ. Hy vọng những giải đáp trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn và biết cách xử trí an toàn. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, đừng chần chừ mà hãy liên hệ với Bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Tham khảo thêm:
Tài liệu tham khảo:
1. Antimicrobial resistance
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/antimicrobial-resistance
2. Antibiotic Prescribing and Use
https://www.cdc.gov/antibiotic-use/index.html
3. Consumer health
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/consumer-health/basics/consumer-health-basics/hlv-20049491
4. Drug allergy
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/drug-allergy/symptoms-causes/syc-20371835
5. Antibiotics
https://www.nhs.uk/conditions/antibiotics/
https://medlineplus.gov/antibiotics.html
Để lại bình chọn cho bài viết của chúng tôi:
Chưa có bình luận!