Bỏng nhiệt: Biếu hiện, cách sơ cứu và xử lý chuẩn nhất
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà
Bỏng nhiệt là một tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt khi tiếp xúc với các nguồn nhiệt cao hoặc chất lỏng nóng. Việc nhận biết đúng loại bỏng, hiểu nguyên nhân gây bỏng cũng như cách xử lý kịp thời sẽ giúp hạn chế tổn thương da, ngăn ngừa biến chứng và hỗ trợ quá trình phục hồi hiệu quả.
I – Bỏng nhiệt là gì?
Bỏng nhiệt là tình trạng tổn thương da và các mô bên dưới do tiếp xúc với nhiệt độ cao, chất lỏng nóng, hơi nóng hoặc bề mặt nóng. Khi cơ thể chịu tác động nhiệt mạnh, các tế bào bị phá vỡ, gây ra các phản ứng đỏ, đau đớn và trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện viêm nhiễm, bong tróc, mủ, sẹo.
II – Phân loại bỏng nhiệt
Bỏng nhiệt có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, tùy vào tác nhân gây bỏng, tính chất tổn thương, cũng như mức độ nghiêm trọng. Việc hiểu rõ các loại bỏng không chỉ giúp đánh giá đúng tình trạng người bị nạn mà còn hỗ trợ lựa chọn cách sơ cứu và điều trị phù hợp.
1. Theo trạng thái vết bỏng
– Bỏng nhiệt khô:
Xảy ra khi tiếp xúc với nguồn nhiệt khô, thường gặp khi va chạm với bề mặt nóng như kim loại hay than hồng. Vết bỏng thường có màu đỏ sậm, khô và có thể bong tróc khi lành.
– Bỏng do nhiệt ẩm:
Liên quan đến tiếp xúc với chất lỏng nóng, như nước sôi hoặc dầu nóng. Vết bỏng thường có đặc điểm ẩm, sưng và dễ bị nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách.
2. Theo tính chất của nhiệt độ và tác động
– Bỏng nhiệt độ lạnh:
Trường hợp này xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nguồn lạnh đột ngột, như nước lạnh cực đoan. Dù không thường gặp như bỏng nhiệt nóng, nhưng vẫn gây tổn thương mô và có thể dẫn đến các biến chứng nếu không được xử lý kịp thời.
– Bỏng nhiệt nóng:
Xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt cao như lửa, nước sôi hoặc bề mặt nóng.Mức độ ảnh hưởng: Thường gây tổn thương nghiêm trọng, có thể gây bỏng cấp độ 2 hoặc 3 tùy vào thời gian tiếp xúc và nhiệt độ của nguồn nhiệt.
3. Theo cấp độ nghiêm trọng
– Cấp độ 1: Bỏng nông, chỉ ảnh hưởng đến lớp biểu bì, gây đỏ và đau nhẹ.
– Cấp độ 2: Bỏng sâu hơn, ảnh hưởng đến lớp biểu bì và lớp dưới da, thường có bọt nước và đau đớn.
– Cấp độ 3: Bỏng nặng, tổn thương toàn bộ lớp da và các mô dưới da, có thể gây tổn thương vĩnh viễn và nguy cơ nhiễm trùng cao.
Trong bài viết này sẽ tập trung vào 2 hình thức bỏng nhiệt thường gặp nhất đó bỏng nhiệt khô và bỏng do nhiệt ẩm (ướt). Mỗi loại có cơ chế gây tổn thương và cách xử lý riêng biệt
III – Nguyên nhân gây bỏng nhiệt khô và bỏng nhiệt ướt
Bỏng do nhiệt có thể gây tổn thương nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Tùy theo dạng nhiệt tác động, dù là khô hay có độ ẩm mà nguyên nhân gây bỏng sẽ khác nhau, dẫn đến mức độ ảnh hưởng và cách xử lý cũng không giống nhau.
1. Nguyên nhân gây bỏng nhiệt khô
Bỏng nhiệt khô xảy ra khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt không chứa chất lỏng, như các vật thể có bề mặt khô nhưng đạt nhiệt độ cao. Đây là loại bỏng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày và cả trong môi trường lao động.
Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm:
– Tiếp xúc với lửa trực tiếp: Như khi nấu ăn bằng bếp ga, lửa trại, pháo nổ hoặc tai nạn cháy nổ.
– Chạm vào vật thể kim loại nóng: Như bàn ủi, nắp nồi, bếp điện, lò nướng… trong lúc sử dụng hoặc vô tình va phải.
– Tai nạn do thiết bị nhiệt: Máy sấy tóc, máy là tóc, máy hàn, bếp than – đặc biệt thường xảy ra khi thiếu sự giám sát hoặc mất tập trung.
– Ngã vào mặt đường nóng (nhựa đường, bê tông) vào mùa hè: Đặc biệt là với trẻ em hoặc người làm việc ngoài trời, mặt đường có thể đạt nhiệt độ hơn 60°C.
– Tai nạn nghề nghiệp: Trong các ngành nghề như cơ khí, luyện kim, thợ hàn, nhân viên bếp công nghiệp.
2. Nguyên nhân gây bỏng do nhiệt ẩm
Bỏng do nhiệt ẩm là hậu quả của việc tiếp xúc với chất lỏng hoặc hơi nóng có nhiệt độ cao. Nhiệt từ chất lỏng không chỉ lan rộng nhanh mà còn thẩm thấu sâu vào da, làm tổn thương mô nhanh chóng, đôi khi nặng hơn bỏng khô.
Các tình huống phổ biến gây bỏng do nhiệt ẩm gồm:
– Đổ nước sôi vào da: Rất thường gặp trong gia đình khi nấu nướng, pha trà, nấu mì…
– Bị dầu nóng bắn vào người: Thường xảy ra khi chiên rán, đặc biệt nguy hiểm vì dầu giữ nhiệt lâu và có thể gây bỏng sâu.
– Hấp hơi nóng (hơi nước bốc ra): Như khi mở nồi áp suất, nồi luộc thức ăn hoặc xông hơi quá gần.
– Canh, cháo, súp bị đổ: Với nhiệt độ cao và độ sánh, những chất lỏng này có thể dính lâu trên da, gây bỏng nghiêm trọng hơn nước.
– Tai nạn trong môi trường công nghiệp: Như tiếp xúc với hơi nước áp suất cao, dầu máy, chất lỏng công nghiệp nóng.
IV – Dấu hiệu khi bị bỏng nhiệt
Khi cơ thể gặp phải tác động từ nhiệt độ cao, da sẽ phản ứng lại bằng một loạt dấu hiệu tổn thương rõ rệt. Những biểu hiện này không chỉ phản ánh mức độ nghiêm trọng của vết bỏng mà còn là cơ sở quan trọng để lựa chọn cách xử trí phù hợp.
1. Biểu hiện của bỏng nhiệt khô
Bỏng nhiệt khô thường có các đặc điểm sau:
– Da đỏ hoặc sậm màu ngay tại vùng tiếp xúc.
– Cảm giác đau rát, nóng bỏng, đôi khi nhói như kim châm.
– Bề mặt da khô, căng, có thể bong tróc sau vài ngày.
– Trong trường hợp bỏng sâu hơn, da có thể bị cháy sạm, phồng rộp hoặc hoại tử nhẹ.
– Nếu nặng, vùng da tổn thương có thể mất cảm giác do các đầu dây thần kinh bị tổn thương.
2. Biểu hiện của bỏng do nhiệt ẩm
Do tính chất lan rộng nhanh và giữ nhiệt lâu, bỏng do nhiệt ẩm thường gây tổn thương sâu và rõ rệt hơn:
– Da sưng tấy, đỏ, kèm cảm giác nóng rát dữ dội.
– Xuất hiện bọng nước hoặc phồng rộp, đôi khi rỉ dịch.
– Cảm giác đau nhói và rát liên tục, đặc biệt khi có sự cọ xát.
– Vùng da bị bỏng thường ẩm ướt hoặc dính do dịch tiết từ bọng nước.
– Nếu không xử lý kịp thời, nhiễm trùng có thể xảy ra, biểu hiện bằng mủ, mùi hôi hoặc đau tăng dần.
V – Bỏng do nhiệt có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có — bỏng nhiệt hoàn toàn có thể nguy hiểm, đặc biệt khi:
– Diện tích bỏng lớn
– Vết bỏng sâu (độ 2 nặng hoặc độ 3)
– Bỏng xảy ra ở các vùng nhạy cảm như mặt, tay, chân, bộ phận sinh dục, hoặc gần đường thở
– Không được sơ cứu và chăm sóc đúng cách
– Người bị bỏng là trẻ em, người già hoặc người có bệnh lý nền
Vì sao bỏng nhiệt gây nguy hiểm?
– Tổn thương da nghiêm trọng: Da là hàng rào bảo vệ cơ thể, khi bị phá vỡ do bỏng, cơ thể dễ mất nước, nhiễm khuẩn.
– Nhiễm trùng: Bỏng (nhất là bỏng ẩm) nếu không được giữ sạch sẽ sẽ rất dễ nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng máu.
– Để lại sẹo và biến dạng: Bỏng sâu có thể gây sẹo lồi, co kéo da, ảnh hưởng thẩm mỹ và vận động, đặc biệt nếu xảy ra ở mặt, cổ, tay, chân.
– Nguy cơ ảnh hưởng toàn thân: Nếu bỏng rộng hoặc nhiễm trùng nặng, có thể gây sốt, sốc, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
VI – So sánh bỏng nhiệt các loại bỏng khác
Loại bỏng | Nguyên nhân | Đặc điểm tổn thương | Mức độ nguy hiểm |
---|---|---|---|
Bỏng nhiệt khô | Tiếp xúc với vật thể nóng khô: than, sắt, kim loại, bếp… | Da đỏ, khô, có thể cháy sạm hoặc bong tróc, thường ít bọng nước | Từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc thời gian tiếp xúc |
Bỏng nhiệt ẩm | Tiếp xúc với chất lỏng nóng: nước sôi, dầu ăn, hơi nước nóng… | Da sưng đỏ, ẩm, dễ phồng rộp, nổi bọng nước, dễ nhiễm trùng nếu không xử lý đúng cách | Thường nguy hiểm hơn bỏng khô nếu lan rộng |
Bỏng điện | Dòng điện đi qua cơ thể | Vết bỏng nhỏ bên ngoài nhưng tổn thương sâu, có thể ảnh hưởng tim, cơ, thần kinh | Nguy hiểm cao, có thể gây tử vong |
Bỏng hóa chất | Tiếp xúc với axit, kiềm, hóa chất công nghiệp | Da đau rát, đổi màu, có thể loét sâu, lan rộng nếu không rửa sạch nhanh | Rất nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời |
Bỏng do bức xạ | Phơi nắng lâu, tia UV, tia X, điều trị xạ trị | Da đỏ nhẹ, ngứa, bong tróc hoặc sạm nếu tiếp xúc kéo dài | Thường nhẹ nhưng ảnh hưởng tích lũy |
VII – Bị bỏng nhiệt nên làm gì? Cách xử lý và chăm sóc bỏng do nhiệt
Tùy theo loại bỏng mà cách sơ cứu sẽ có một số điểm khác nhau như:
1. Các bước sơ cứu bỏng do nhiệt khô
Bỏng nhiệt khô thường gặp khi da tiếp xúc với bề mặt khô có nhiệt độ cao như than hồng, bàn ủi, bếp điện, hoặc vật kim loại nóng.
Cách xử lý:
– Bước 1: Ngừng tiếp xúc ngay lập tức
Rút phần cơ thể ra khỏi nguồn gây bỏng (bếp, than, lửa…).
– Bước 2: Làm mát vùng bỏng
Dội nước mát lên vết bỏng từ 10–15 phút. Không dùng đá lạnh để tránh làm tổn thương mô sâu.
– Bước 3: Vệ sinh vùng da
Nếu sạch, không cần rửa xà phòng. Nếu có bụi bẩn, chỉ dùng nước sạch, nhẹ tay.
– Bước 4: Bảo vệ vết bỏng
Dùng một miếng vải mềm, gạc sạch phủ lên. Tránh bôi bất cứ chất gì nếu chưa có hướng dẫn từ nhân viên y tế.
– Bước 5: Theo dõi dấu hiệu nặng
Nếu da bị cháy đen, mất cảm giác hoặc bỏng ở vùng đặc biệt như mặt, cần đến bệnh viện.
2. Các bước sơ cứu bỏng nhiệt ẩm
Bỏng nhiệt ẩm thường do nước sôi, dầu nóng hoặc hơi nước gây ra. Đây là loại bỏng dễ lan rộng và có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu xử lý chậm.
Cách xử lý:
– Bước 1: Cắt đứt tiếp xúc
Đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có nước nóng/dầu sôi. Nếu quần áo ướt và chưa dính vào da, tháo ra nhẹ nhàng.
– Bước 2: Làm nguội bằng nước sạch
Ngâm vùng bỏng hoặc xả nước mát liên tục trong 15–20 phút để giảm nhiệt sâu dưới da.
– Bước 3: Xử lý cặn dầu nếu có
Dùng xà phòng dịu nhẹ rửa lại để loại bỏ dầu còn bám trên da.
– Bước 4: Phủ nhẹ vết bỏng
Dùng khăn sạch ẩm hoặc gạc mỏng che lại để tránh tiếp xúc với không khí và vi khuẩn.
– Bước 5: Không làm vỡ bọng nước
Nếu có bóng nước, tuyệt đối không tự chọc vì dễ nhiễm trùng và làm lâu lành.
– Bước 6: Tìm đến bác sĩ nếu cần
Khi vết bỏng có dấu hiệu lan rộng, mưng mủ, đau tăng hoặc nằm ở vùng dễ tổn thương như tay, chân, vùng kín.
3. Chăm sóc vết bỏng nhiệt
Sau khi đã sơ cứu đúng cách, việc chăm sóc vết bỏng cần được thực hiện cẩn thận và phù hợp với mức độ tổn thương
3.1. Với bỏng nhẹ (độ 1 hoặc độ 2 nhẹ):
Mục tiêu: Giảm đau, làm dịu da, ngăn nhiễm trùng, hỗ trợ phục hồi lớp biểu bì.
Cách chăm sóc:
– Sau khi làm mát, giữ vùng da bỏng sạch và khô thoáng.
– Bôi kem dưỡng da phục hồi có thành phần dịu nhẹ như: kem bôi da Yoosun Rau má
– Có thể sử dụng miếng dán hydrogel hoặc băng gạc lạnh để giảm đau và cấp ẩm tức thời.
– Nếu đau rát, có thể dùng Paracetamol hoặc Ibuprofen để giảm đau theo liều phù hợp.
3.2. Với bỏng trung bình – nặng (độ 2 nặng hoặc độ 3):
Mục tiêu: Hạn chế tổn thương sâu, kiểm soát nhiễm trùng, theo dõi hoại tử mô.
Cách chăm sóc:
– Không tự điều trị tại nhà nếu vết bỏng quá sâu hoặc rộng — cần đến cơ sở y tế để bác sĩ xử lý chuyên môn.
– Có thể được chỉ định dùng:
+ Kem kháng khuẩn chuyên biệt: như Silvirin (bạc sulfadiazine 1%) – có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và hỗ trợ làm lành nhanh.
+ Thuốc mỡ kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng (do bác sĩ kê).
+ Dung dịch rửa chuyên dụng như NaCl 0.9%, povidone-iodine pha loãng (nếu cần sát trùng).
+ Đối với những trường hợp nhiễm trùng hoặc nguy cơ cao, có thể cần uống kháng sinh toàn thân và theo dõi nội trú.
!Lưu ý tránh dùng các chất không phù hợp như:
– Kem đánh răng, nước mắm, trứng gà sống, lá cây đắp…
– Các loại thuốc bôi không rõ nguồn gốc hoặc chưa được kiểm chứng y khoa.
VIII – Bị bỏng nhiệt – Những băn khoăn thường gặp
Khi gặp phải bỏng nhiệt, bên cạnh việc sơ cứu, nhiều người thường lo lắng không biết chế độ ăn như thế nào hay bao có để lại sẹo không….đây đều là những thắc mắc quen thuộc. Phần dưới đây sẽ giúp giải đáp những câu hỏi thường gặp
1. Bị bỏng nhiệt có để lại sẹo không?
Bỏng nhẹ thường không để lại sẹo, nhưng bỏng sâu (độ 2 nặng, độ 3) dễ để lại sẹo lồi, thâm, co kéo da – nhất là khi không được xử lý đúng cách ngay từ đầu.
2. Bị bỏng nhiệt kiêng ăn gì và nên ăn gì?
– Nên ăn: thực phẩm giàu đạm (thịt nạc, trứng), rau xanh, trái cây nhiều vitamin C, E và kẽm.
– Kiêng (với người cơ địa nhạy cảm): thịt gà, đồ nếp, rau muống, hải sản – vì dễ gây ngứa hoặc để lại sẹo xấu.
3. Bị bỏng nhiệt khi đang mang thai hoặc cho con bú có nguy hiểm không?
Không quá nguy hiểm nếu bỏng nhẹ, nhưng nên thận trọng với thuốc bôi và thuốc uống. Nên hỏi bác sĩ nếu cần dùng thuốc kháng sinh, giảm đau hoặc điều trị đặc hiệu.
4. Bỏng nhiệt bao lâu thì khỏi?
Tùy vào mức độ tổn thương:
– Bỏng nhẹ (độ 1): Khoảng 5–7 ngày là khỏi hẳn, ít để lại dấu vết.
– Bỏng trung bình (độ 2): Mất từ 2–3 tuần để da liền, nhưng cần theo dõi sẹo.
– Bỏng sâu (độ 3): Có thể kéo dài nhiều tháng, cần điều trị tích cực, đôi khi phải ghép da.
5. Bỏng nhiệt có gây sốc bỏng không?
Có. Nếu diện tích bỏng lớn (trên 15% ở người lớn hoặc 10% ở trẻ em), da mất nước và chất điện giải nhiều → người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc bỏng, cần cấp cứu khẩn cấp.
Bỏng nhiệt là tình huống không ai mong muốn nhưng lại rất dễ xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Qua bài viết, hy vọng bạn đã nắm được cách phân biệt bỏng nhiệt khô – bỏng nhiệt ẩm, biết nên làm gì khi bị bỏng, chăm sóc vết thương thế nào, cũng như ăn uống ra sao để cơ thể phục hồi tốt nhất.
Điều quan trọng là: Đừng chủ quan với bất kỳ vết bỏng nào, dù nhỏ, và đừng tự ý điều trị bằng mẹo dân gian chưa được kiểm chứng. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy tìm đến cơ sở y tế sớm để được hỗ trợ chuyên môn.
Tham khảo thêm:
Tài liệu tham khảo:
1. Burns: First aid
https://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-burns/basics/art-20056649
2. Burns
https://medlineplus.gov/burns.html
3. Burns and scald
https://www.nhs.uk/conditions/burns-and-scalds/
Để lại bình chọn cho bài viết của chúng tôi:
Chưa có bình luận!