Dị ứng lông mèo, lông chó: Mẹo nhận biết và hướng xử lý
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà
Dị ứng lông chó mèo xảy ra khi hệ miễn dịch “phản ứng mạnh” với các protein nằm trong lông, vảy da hoặc nước bọt thú cưng. Khi phong trào ôm ấp “thú cưng” lan rộng, số ca hắt hơi, khó thở, mề đay tìm đến phòng khám cũng tăng theo. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện sớm triệu chứng và cách xử lý khi bị dị ứng với lông chó mèo
I – Tìm hiểu về lông chó mèo
Lông chó mèo là một phần quan trọng trên cơ thể chúng, không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài mà còn có nhiều chức năng thiết yếu đối với sức khỏe và sự sinh tồn của chúng.
1. Cấu tạo của lông chó mèo
Lông chó mèo được cấu tạo chủ yếu từ protein (keratin), tương tự như tóc và móng của con người. Cấu tạo lông có thể khác nhau tùy thuộc vào giống loài:
– Lớp lông đơn và lớp lông kép: Một số giống chó mèo có lớp lông đơn (single coat), trong khi nhiều giống khác lại có lớp lông kép (double coat), bao gồm một lớp lông cứng bên ngoài (lông bảo vệ) và một lớp lông tơ mịn, dày ở bên trong (lông tơ). Lớp lông kép giúp chúng điều hòa thân nhiệt tốt hơn, nhưng cũng khiến chúng rụng lông nhiều hơn, đặc biệt vào đầu mùa hè hoặc đông.
– Sự khác biệt giữa lông chó và lông mèo: Lông mèo thường mảnh hơn, mọc mượt và theo một hướng nhất định, trong khi lông chó có thể đa dạng hơn về độ dày, độ xoăn và hướng mọc.
2. Chu kỳ phát triển lông
Cả chó lẫn mèo đều trải qua bốn pha: anagen (mọc) → catagen (thoái triển) → telogen (nghỉ) → exogen (rụng). Thời gian ở pha anagen quyết định độ dài lông; giống lông dài thường có pha anagen dài hơn nên rụng ít nhưng sợi dài
Thời gian lông mọc lại của chó mèo:
– Mèo: Thường mất khoảng 2-3 tháng để lông mèo mọc lại đều như trước. Đối với những vùng lông bị cạo do phẫu thuật hoặc chấn thương da, quá trình mọc lại có thể lâu hơn, thậm chí một số trường hợp lông có thể không mọc lại hoàn toàn nếu có tổn thương nang lông hoặc sẹo.
– Chó: Thời gian mọc lại lông chó rất đa dạng, từ 3-6 tháng đối với nhiều giống, nhưng có thể kéo dài từ 9-12 tháng hoặc hơn đối với một số giống lông dài hoặc có lớp lông kép dày (ví dụ như Husky, Golden Retriever). Lông con thường mọc nhanh hơn lông trưởng thành.
Chó mèo là những người bạn đáng yêu, mang lại nhiều giá trị về mặt tinh thần và thể chất cho cuộc sống của con người.
3. Chức năng của lông chó mèo
Bộ lông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và sự thoải mái cho chó mèo:
– Bảo vệ cơ thể: Lông tạo thành một lớp rào cản vật lý, bảo vệ da khỏi các tác nhân bên ngoài như ánh nắng mặt trời (tia UV), hóa chất, bụi bẩn, và các vết xước nhỏ. Lớp lông dày giúp hạn chế côn trùng tiếp xúc với da.
– Điều hòa thân nhiệt: Bộ lông khỏe mạnh giúp cách nhiệt, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh và làm mát vào mùa nóng (thông qua quá trình tỏa nhiệt và luân chuyển không khí).
– Hỗ trợ hệ miễn dịch: Da và lông là hàng rào bảo vệ đầu tiên của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và các bệnh do vi khuẩn có hại.
– Cảm giác và giao tiếp: Lông cũng có thể đóng vai trò trong cảm giác và giúp chó mèo giao tiếp với nhau hoặc với con người.
– Thẩm mỹ: Một bộ lông khỏe mạnh, óng mượt là dấu hiệu của một thú cưng được chăm sóc tốt và khỏe mạnh.
4. Các vấn đề thường gặp về lông chó mèo
Mặc dù quan trọng, lông chó mèo cũng có thể gây ra một số vấn đề:
– Rụng lông: Đây là hiện tượng tự nhiên, đặc biệt là ở những giống có lông kép hoặc vào các mùa thay lông. Tuy nhiên, rụng lông quá nhiều có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe như thiếu dinh dưỡng, bệnh ngoài da, stress hoặc bệnh lý nội tạng.
– Dị ứng lông chó mèo ở người: Đây là một trong những vấn đề phổ biến nhất. Dị ứng không phải do bản thân sợi lông mà là do các protein có trong tế bào da chết (vảy da – pet dander), nước bọt, nước tiểu của thú cưng. Khi những hạt protein này bay lơ lửng trong không khí và được hít vào, hoặc tiếp xúc trực tiếp với da, có thể gây ra các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho, khó thở, nổi mề đay. Những người có tiền sử bệnh hen suyễn hoặc trẻ em, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị ảnh hưởng hơn.
– Các vấn đề về da và lông:
+ Lông khô, xỉn màu: Thường do chế độ dinh dưỡng thiếu hụt, đặc biệt là thiếu vitamin và khoáng chất, hoặc axit béo omega-3.
+ Ngứa, gãi liên tục: Có thể do ký sinh trùng (bọ chét, ve, rận), dị ứng (thức ăn, môi trường), nấm, viêm da, hoặc da khô.
+ Viêm da: Có thể do nhiễm khuẩn, nấm, hoặc các phản ứng dị ứng.
+ Búi lông (hairball) ở mèo: Do mèo tự liếm lông để làm sạch, lông rụng bị nuốt vào và tích tụ trong dạ dày, gây khó tiêu, nôn ói.
II – Dị ứng lông chó mèo là như thế nào?
Dị ứng lông chó mèo (còn gọi là pet dander allergy) thực chất không do bản thân sợi lông mà đến từ các protein dị nguyên bám trên lông và vảy da (dander) của thú cưng. Đây là phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể bạn khi tiếp xúc với các protein cụ thể có trong vật nuôi.
Khi thú cưng rụng lông hoặc gãi, hạt dander (vảy da chết) siêu nhỏ (≤ 5 µm) mang các protein trên sẽ bay lơ lửng nhiều giờ. Người mẫn cảm hít phải hoặc tiếp xúc qua da, hệ miễn dịch lập tức tạo kháng thể IgE chống lại những protein này, dẫn đến tình trạng dị ứng.
Lông thú cưng là lớp bao phủ tự nhiên trên cơ thể các loài động vật. Chúng không phải là nguyên nhân gây nên dị ứng
Thú cưng | Dị nguyên chính | Nơi tiết ra | Tỉ lệ người dị ứng phản ứng với dị nguyên này |
Mèo | Fel d 1 | Tuyến bã, nước bọt; dính lên lông khi mèo liếm chải | 80 – 95 % ca dị ứng mèo |
Chó | Can f 1 (cùng Can f 2, 3, 4, 6…) | Chủ yếu trong nước bọt, vảy da | Dị nguyên “nặng ký” nhất ở chó |
**Fel d 1 là một loại protein cụ thể được sản xuất bởi mèo
Can f 1 là một loại protein cụ thể được sản xuất bởi chó
III – Những đối tượng dễ bị dị ứng với lông chó mèo
Dị ứng lông chó mèo có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng có một số nhóm đối tượng dễ bị dị ứng hơn hoặc có nguy cơ phản ứng nghiêm trọng hơn:
1. Người có cơ địa dị ứng sẵn
Nếu bạn từng bị viêm mũi dị ứng, hen phế quản hoặc viêm da cơ địa, lượng kháng thể IgE trong máu vốn đã cao. Khi gặp dị nguyên của thú cưng, hệ miễn dịch phản ứng mạnh hơn người không có cơ địa dị ứng nên dễ hắt hơi, khó thở, nổi mề đay. Thống kê cho thấy phần lớn ca dị ứng thú cưng rơi vào nhóm này.
2. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Hàng rào da – niêm mạc của bé còn mỏng manh, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bé lại thường bò, chơi sát sàn nhà, đây là nơi dễ tích tụ các mảnh da chết nhỏ và dị nguyên từ thú cưng – khi hít phải hoặc tiếp xúc qua da, bé dễ gặp phản ứng dị ứng như phát ban toàn thân, khò khè, quấy khóc.
3. Người có cha/ mẹ hoặc anh/ chị bị dị ứng
Gen đóng vai trò quan trọng: nếu cha mẹ, anh chị từng dị ứng thú cưng hoặc có bệnh dị ứng khác, nguy cơ ở bạn sẽ tăng đáng kể (có nghiên cứu ước tính vượt quá 50 %).
4. Bệnh nhân hen phế quản chưa kiểm soát tốt
Đường thở của họ vốn đã dễ co thắt. Khi tiếp xúc lông chó mèo, phế quản càng phản ứng dữ dội, dễ bùng cơn hen nặng. Bác sĩ thường khuyên nhóm này hạn chế nuôi thú cưng rụng lông nhiều.
Bệnh nhân hen cần dùng ống hít ngay để mở rộng đường thở khi dị ứng lông thú cưng
5. Người bị viêm da cơ địa, mề đay mạn tính
Lớp bảo vệ da suy yếu khiến Fel d 1, Can f 1 thấm vào dễ hơn, chỉ tiếp xúc ngắn cũng có thể làm da đỏ rát, nổi mẩn ngứa.
6. Người làm nghề phải tiếp xúc thú cưng hằng ngày
Bác sĩ thú y, nhân viên cắt tỉa lông thú cưng( grooming), tình nguyện viên trạm cứu hộ động vật thường xuyên tiếp xúc với lông và mảnh da chết của thú cưng trong nhiều giờ liền. Để giảm nguy cơ dị ứng, họ nên đeo khẩu trang N95 khi làm việc và thay quần áo sau mỗi ca để hạn chế mang dị nguyên về nhà.
7. Phụ nữ mang thai có tiền sử dị ứng
Thai kỳ làm nội tiết và niêm mạc đường thở thay đổi, các phản ứng dị ứng thường rầm rộ hơn. Nếu muốn tiếp tục nuôi chó mèo, mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ dị ứng để được hướng dẫn kiểm soát môi trường an toàn.
IV – Dấu hiệu dị ứng lông chó mèo
Biểu hiện dị ứng với lông chó mèo (thực chất là dị ứng với các protein trong vảy da chết, nước bọt, nước tiểu của chúng) có thể rất đa dạng và mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy từng người. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh chóng (trong vòng vài phút đến vài giờ) sau khi tiếp xúc, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn hơn.
Dưới đây là các biểu hiện phổ biến:
1. Triệu chứng đường hô hấp
Đây là những biểu hiện thường gặp nhất khi hít phải các dị nguyên từ chó mèo:
– Hắt hơi: Thường là hắt hơi thành tràng, liên tục.
– Sổ mũi/ chảy nước mũi: Nước mũi trong, chảy nhiều.
– Nghẹt mũi: Cảm giác tắc mũi, khó thở bằng mũi.
– Ngứa mũi, vòm miệng hoặc cổ họng: Cảm giác khó chịu, muốn gãi.
– Ho: Ho khan, có thể kéo dài.
– Thở khò khè, khó thở, tức ngực: Đây là dấu hiệu của phản ứng hen suyễn, đặc biệt nguy hiểm ở những người có tiền sử hen hoặc dị ứng nặng. Tiếng thở rít, nặng nề.
– Viêm xoang: Có thể gây đau đầu, nặng mặt, chảy dịch mũi sau.
2. Triệu chứng trên mắt
Khi dị nguyên bay vào mắt hoặc tay dính dị nguyên dụi mắt:
– Ngứa mắt: Cảm giác ngứa dữ dội ở mắt.
– Đỏ mắt: Mắt bị sung huyết, đỏ.
– Chảy nước mắt: Nước mắt chảy giàn giụa.
– Sưng mí mắt: Mí mắt có thể sưng nhẹ.
Dấu hiệu viêm kết mạc dị ứng do lông chó mèo
3. Triệu chứng trên da
Xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với lông, vảy da chết hoặc nước bọt của chó mèo:
– Ngứa da: Cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở vùng da tiếp xúc hoặc lan rộng.
– Nổi mẩn đỏ, phát ban: Các nốt đỏ hoặc mảng đỏ xuất hiện trên da.
– Nổi mề đay: Các sẩn phù, mảng sưng đỏ, ngứa ngáy xuất hiện đột ngột trên da, có thể di chuyển và biến mất rồi lại nổi lên ở chỗ khác.
– Da đỏ ửng hoặc nổi mẩn tại vùng bị chó mèo liếm: Phản ứng cục bộ do nước bọt.
– Chàm da (Eczema): Ở những người có cơ địa viêm da cơ địa, dị ứng lông chó mèo có thể làm bùng phát hoặc làm nặng thêm các đợt chàm, khiến da khô, ngứa, bong tróc.
4. Các triệu chứng ít gặp hơn hoặc nghiêm trọng
Trong một số trường hợp hiếm gặp và rất nặng, đặc biệt ở người có cơ địa quá mẫn cảm, có thể xảy ra:
– Phản ứng phản vệ (Anaphylaxis): Mặc dù rất hiếm với dị ứng lông chó mèo, nhưng đây là phản ứng dị ứng toàn thân nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng với các triệu chứng như sưng phù mặt, môi, họng (gây khó thở), tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu.
– Mệt mỏi, khó chịu: Do các triệu chứng dị ứng gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
5. Triệu chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
– Da nổi sẩn đỏ lan rộng, nhất là vùng má, cằm, ngực.
– Thở rít nhẹ, quấy khóc, bú kém.
– Dễ nhầm với chàm sữa hoặc viêm da tiếp xúc, nên để ý mốc thời gian: Triệu chứng bùng lên sau khi bé chơi gần thú cưng hoặc nằm trên chăn có nhiều lông.
V – Dị ứng lông mèo, lông chó nên làm gì?
Khi bạn bị dị ứng lông chó mèo, điều quan trọng là phải xử lý nhanh chóng để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng nặng hơn. Khi đột nhiên cảm thấy các triệu chứng dị ứng (hắt hơi, ngứa mũi, mắt, da) bạn nên:
Bước 1: Rời khỏi khu vực có thú cưng
Ngay lập tức di chuyển ra xa chó mèo hoặc rời khỏi môi trường có nhiều dị nguyên (như nhà người bạn nuôi thú cưng).
Bước 2: Thay quần áo
Nếu bạn đã tiếp xúc trực tiếp với thú cưng, hãy thay quần áo càng sớm càng tốt để loại bỏ các dị nguyên bám trên đó.
Bước 3: Rửa sạch
– Rửa tay và mặt: Dùng xà phòng và nước sạch rửa kỹ tay và mặt để loại bỏ dị nguyên bám trên da. Tránh dụi mắt hoặc chạm tay lên mặt khi tay chưa sạch.
– Rửa mũi: Sử dụng nước muối sinh lý dạng xịt hoặc bình rửa mũi để làm sạch đường mũi, loại bỏ các hạt dị nguyên và chất nhầy, giúp giảm nghẹt mũi, sổ mũi.
– Nhỏ mắt: Dùng nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý nhỏ mắt để làm dịu và rửa trôi dị nguyên khỏi mắt.
Bước 4: Xử lý giảm ngứa da
– Tắm nhanh hoặc rửa vùng da bị ngứa: Dùng nước mát hoặc hơi ấm và xà phòng dịu nhẹ để rửa sạch vùng da bị ngứa. Tránh dùng nước quá nóng vì có thể làm da khô và ngứa hơn.
– Chườm lạnh: Đặt một chiếc khăn mát hoặc túi chườm lạnh lên vùng da bị ngứa để giảm cảm giác khó chịu và sưng tấy.
– Thoa kem: Sử dụng các loại kem, kem bôi có chứa thành phần chiết xuất rau má để làm dịu da và giảm ngứa.
Chiết xuất rau má là thành phần tự nhiên được biết đến với khả năng làm dịu da, giảm ngứa.
( Xem thêm bộ sản phẩm chứa chiết xuất rau má: Yoosun Rau má )
Bước 4: Uống thuốc chống dị ứng không kê đơn (nếu có)
– Thuốc kháng histamine: Có thể giúp giảm hắt hơi, sổ mũi, ngứa và nổi mề đay.
– Thuốc giảm sung huyết mũi: Có thể giúp giảm nghẹt mũi, nhưng không nên dùng cho người có tiền sử huyết áp cao, bệnh tim mạch hoặc tăng nhãn áp mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
– Thuốc xịt mũi corticosteroid không kê đơn: Có thể giúp giảm viêm mũi và xoang, nhưng tác dụng thường không tức thì mà cần thời gian để phát huy hiệu quả.
VI – Dị ứng lông mèo, lông chó có chữa được không?
Dị ứng lông chó mèo không thể chữa khỏi hoàn toàn vì đây là phản ứng của hệ miễn dịch với các chất gây dị ứng (allergen) như protein trong lông, da, nước bọt hoặc nước tiểu của chó mèo. Tuy nhiên, có nhiều cách để kiểm soát và giảm triệu chứng hiệu quả, thậm chí đến mức gần như không còn biểu hiện. Dưới đây là các phương pháp chính:
1. Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng
– Hạn chế tiếp xúc với chó mèo: Tránh vuốt ve, ôm thú cưng hoặc đến nơi có nhiều thú cưng.
– Giữ vệ sinh môi trường:
+ Rửa tay, mặt sau khi tiếp xúc với chó mèo.
+ Giặt giũ quần áo, chăn ga thường xuyên.
+ Sử dụng máy lọc không khí HEPA để loại bỏ chất gây dị ứng trong không khí.
+ Hạn chế cho thú cưng vào phòng ngủ hoặc khu vực sinh hoạt chính.
– Chăm sóc thú cưng: Tắm cho chó mèo thường xuyên (với sản phẩm phù hợp) để giảm lượng chất gây dị ứng trên lông.
2. Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng
– Thuốc kháng histamine: Giúp giảm ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi.
– Thuốc xịt mũi corticosteroid: Để giảm viêm mũi dị ứng.
– Thuốc nhỏ mắt: Giảm ngứa và đỏ mắt.
– Thuốc hít hoặc xịt hen suyễn: Dành cho người bị khó thở hoặc hen suyễn kích hoạt bởi dị ứng.
– Thuốc bôi ngoài da: Để giảm ngứa hoặc mẩn đỏ trên da.
3. Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy)
– Tiêm dị ứng (Allergy shots): Bác sĩ sẽ tiêm liều lượng nhỏ chất gây dị ứng (như protein từ chó mèo) để giúp cơ thể dần “quen” và giảm phản ứng dị ứng. Phương pháp này có thể mất vài tháng đến vài năm nhưng hiệu quả lâu dài, giảm triệu chứng đáng kể ở nhiều người.
Tiêm dị ứng không chữa khỏi dị ứng ngay lập tức
– Viên ngậm dưới lưỡi (SLIT): Một dạng liệu pháp miễn dịch khác, ít phổ biến hơn nhưng cũng có thể được sử dụng.
4. Thay đổi lối sống
– Chọn các giống chó mèo ít gây dị ứng (như Poodle, Bichon Frise, hoặc mèo Sphynx), mặc dù không có giống nào hoàn toàn không gây dị ứng.
– Tăng cường hệ miễn dịch thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để giảm nhạy cảm nói chung.
Lưu ý: Khi áp dụng các biện pháp tự chăm sóc và dùng thuốc không kê đơn mà các triệu chứng không thuyên giảm hoặc nặng hơn thì nên đi gặp bác sĩ ngay lập tức
Tham khảo thêm:
Tài liệu tham khảo:
1. The Truth About Pet Allergies
https://www.aaaai.org/tools-for-the-public/conditions-library/allergies/pet
2. Evaluation of anti-Fel d 1 IgY ingredient for pet food on growth performance in kittens
https://www.frontiersin.org/journals/veterinary-science/articles/10.3389/fvets.2024.1355390/full
3. Can f 1 levels in hair and homes of different dog breeds
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0091674912007932
4. Immunotherapy for pet allergies.
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5893203/
An update on the prevalence and diagnosis of cat and dog allergy – Emphasizing the role of molecular allergy diagnostics
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0161589023000469
Để lại bình chọn cho bài viết của chúng tôi:
Chưa có bình luận!