Bệnh chàm da mặt: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Nhâm
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà
Chàm da mặt không chỉ gây mất thẩm mỹ, mất tự tin trong giao tiếp mà còn khiến người bệnh ngứa ngáy và khó chịu. Vậy bệnh chàm da mặt là gì, có nguy hiểm không, nguyên nhân do đâu và cách điều trị thế nào? Mời bạn cùng tham khảo nội dung bài viết sau.
I – Hình ảnh bị chàm ở mặt
Bệnh chàm da mặt (Eczema) là tình trạng viêm da sẩn có kèm theo mụn nước và cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Diễn biến của bệnh khá phức tạp nên việc điều trị gặp không ít khó khăn.
Bất kỳ ai cũng có thể bị vết chàm trên mặt nhưng một số đối tượng cơ nguy cơ cao hơn so với người bình thường đó là: trẻ sơ sinh; trẻ không được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên chơi đùa ở môi trường bẩn; người có cơ địa nhạy cảm, dễ kích ứng; những người liên tục tiếp xúc với các chất tẩy rửa; gia đình có tiền sử mắc bệnh chàm da.
Dưới đây là một số hình ảnh chàm da mặt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn:
Hình ảnh vết chàm trên mặt trẻ sơ sinh.
Hình ảnh trẻ nhỏ bị chàm trên mặt.
Hình ảnh chàm mặt ở người lớn.
II – Nguyên nhân gây chàm da mặt
Chẩn đoán và xác định chính xác nguyên nhân mặt bị chàm giúp hỗ trợ bác sĩ tìm được cách trị chàm trên mặt phù hợp và hiệu quả. Các nguyên nhân chính gây bệnh chàm ở mặt gồm:
– Dị ứng: Đây là một trong các nguyên nhân chính gây bệnh chàm da mặt. Các tác nhân gây dị ứng gồm xăng dầu, bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo, thực phẩm…
– Di truyền: Chàm da mặt là bệnh lý về da có tính di truyền cao, do đó nếu trong gia đình bạn có người thân bị chàm trên mặt thì nguy cơ bạn mắc bệnh lý này là rất cao. Tốt nhất bạn nên đi thăm khám sớm để bác sĩ phát hiện và điều trị kịp thời.
– Thời tiết: Điều kiện thời tiết khắc nghiệt (quá nóng – quá lạnh) hoặc bất ngờ thay đổi nhiệt độ (từ nóng sang lạnh và ngược lại) khiến da không kịp thích ứng khiến da mặt bị chàm.
– Bệnh lý ngoài da: Người bị bệnh lý ngoài da như ghẻ, nấm… cũng có nguy cơ bị nổi chàm trên mặt cao gấp 2 lần so với người bình thường.
– Vệ sinh kém: Vệ sinh da mặt không sạch sẽ hoặc không đúng cách trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh chàm ở mặt.
Nguyên nhân gây chàm da mặt là do dị ứng, di truyền, vệ sinh kém, thời tiết khắc nghiệt…
– Stress: Tâm lý thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi và căng thẳng có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có bệnh chàm da mặt.
– Lạm dụng thuốc Tây: Một số loại thuốc bôi ngoài da nếu sử dụng quá mức trong thời gian dài cũng là nguyên nhân gây ra bệnh chàm. Do đó, khi sử dụng các loại thuốc này, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.
– Các nguyên nhân khác: Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân thúc đẩy sự hình thành của chàm da mặt khác như: rối loạn thần kinh, rối loạn chức phận nội tạng, rối loạn nội tiết…
III – Dấu hiệu bị chàm da mặt
Các biểu hiện bị chàm da mặt đặc trưng và dễ nhận biết gồm:
– Xuất hiện các mảng da màu đỏ.
– Cảm giác nóng rát, khó chịu, ngứa ngáy.
– Xuất hiện những nốt mụn nước li ti: Nếu mụn vỡ sẽ có dịch chảy ra; một số mụn không vỡ sẽ khô lại và bong vảy.
– Da khô ráp, nứt nẻ, bong tróc từng mảng.
– Bề mặt da bóng loáng, có màu nâu nhạt và để lại sẹo.
– Xuất hiện những mảng da dày hằn cổ trâu vì gãi nhiều do ngứa.
Bệnh chàm da mặt đặc trưng với các triệu chứng như da tấy đỏ, mọc mụn nước li ti và ngứa ngáy…
Các biểu hiện bị chàm da mặt nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay:
– Bọng mắt sưng, đỏ.
– Mí mắt bị viêm/sưng.
– Hai gò má, cằm, trán mọc nhiều mụn đỏ.
– Da bị khô, sần sùi và bong tróc.
– Mọc mụn nước li ti.
– Da bị nhiễm trùng.
– Da chảy máu do nứt nẻ.
IV – Chàm trên mặt có nguy hiểm không?
Dù không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng vết chàm ở mặt sẽ gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp kèm theo cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu.
Đặc biệt, nếu không được điều trị kịp thời dứt điểm, bệnh chàm da mặt có thể gây ra một số biến chứng và hậu quả như:
– Nhiễm trùng da: Các tổn thương không được chữa trị dứt điểm và bị tái đi tái lại khiến vi khuẩn có điều kiện thuận lợi tấn công và phát triển.
– Các vấn đề về mắt: Như viêm kết mạc, viêm mí mắt, đục thủy tinh thể, giảm thị lực, bong võng mạc.
– Rối loạn giấc ngủ: Biến chứng nguy hiểm này khiến tinh thần người bệnh sa sút nghiêm trọng.
Chàm da ở mặt gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh ngại tiếp xúc, giao tiếp.
– Nhiễm nấm.
– Dị ứng, hen suyễn.
V – Cách điều trị bệnh chàm da mặt hiệu quả
Có nhiều cách chữa vết chàm trên mặt tùy theo mức độ nghiêm trọng, tình trạng sức khỏe và mong muốn của người bệnh. Cụ thể hiện có những cách trị chàm trên mặt như sau:
1. Trường hợp nhẹ
Đối với các trường hợp bị bệnh chàm da mặt ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng một số cách chăm sóc da mặt và cách trị vết chàm trên mặt tại nhà bằng các thảo dược tự nhiên để cải thiện tình trạng tấy đỏ, cảm giác ngứa ngáy và phòng ngừa để lại sẹo thâm. Một số mặt nạ tự nhiên bạn có thể sử dụng gồm:
– Cách tẩy vết chàm trên mặt bằng dầu ôliu và nha đam: Trộn đều 2 thìa cà phê gel nha đam với 1 thìa cà phê dầu ôliu để thu được hỗn hợp đồng nhất.
Dùng nước ấm rửa sạch mặt rồi lau khô bằng khăn mềm sạch. Thoa đều hỗn hợp lên mặt và để yên trong thời gian 15 phút. Cuối cùng rửa sạch mặt với nước mát.
Chữa bệnh chàm da mặt bằng mật ong.
– Cách xóa vết chàm trên mặt bằng sữa chua không đường và bột yến mạch: Trộn 2 thìa cà phê bột yến mạch với 2 thìa cà phê sữa chua không đường. Nếu da của bạn là da khô thì hãy cho thêm 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất.
Trộn đều các nguyên liệu với nhau cho tới khi thu được hỗn hợp đồng nhất. Rửa sạch mặt với nước ấm rồi thoa đều hỗn hợp bột yến mạch sữa chua lên vùng da mặt bị chàm. Chờ khoảng 15 phút thì bạn rửa sạch mặt bằng nước mát.
– Cách điều trị vết chàm trên mặt bằng mật ong: Để loại vết chàm ở mặt, bạn hãy sử dụng mật ong nguyên chất thoa lên mặt sau khi đã vệ sinh sạch sẽ. Để mật ong lưu lại trên da khoảng 20 phút sau đó rửa sạch mặt bằng nước mát.
2. Trường hợp nặng
Đối với các trường hợp bị chàm da mặt nặng với các triệu chứng như da chảy máu do nứt nẻ, da bị nhiễm trùng, mụn đỏ lan rộng… thì tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị đúng cách. Một số loại thuốc bôi chàm da mặt được bác sĩ chỉ định điều trị gồm:
– Thuốc ức chế Calcineurin: Loại thuốc này an toàn, không làm bào mòn da, có thể sử dụng ở mí mắt và các vùng da quanh mắt.
– Thuốc bôi có chứa Axit Salicylic: Tác dụng tiêu viêm; cải thiện hiện tượng da bong tróc da; hỗ trợ chữa trị mụn; làm se khít lỗ chân lông.
Một số loại thuốc điều trị chàm da mặt dạng bôi được bác sĩ chỉ định như thuốc bôi kháng nấm, thuốc mỡ corticoid, thuốc ức chế calcineurin,…
– Thuốc bôi chứa kẽm: Công dụng kháng viêm, giảm đau, sát trùng nhẹ.
– Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh Tetracyclin hoặc Erythromycin được bác sĩ chỉ định khi vết thương trên da bị bội nhiễm.
– Thuốc kháng Histamin H1: Tác dụng cải thiện cơn ngứa ngáy, hạn chế tổn thương lan rộng, giảm các phản ứng ngoài da…
– Kem Hydrocortisone: Kem hydrocortisone OTC 1% được khuyến khích sử dụng vì không gây mỏng và bào mòn da.
– Một số thuốc khác: Một số thuốc trị chàm da mặt khác có thể được bác sĩ chỉ định trong điều trị bệnh chàm da mặt như: hồ nước, nước muối sinh lý, thuốc bôi kháng nấm, thuốc mỡ corticoid…
Lưu ý: Người bệnh chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị chàm da mặt khi có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng. Trong quá trình sử dụng thuốc cần tuân thủ tuyệt đối theo lộ trình, liều lượng mà bác sĩ đã kê toa.
VI – Cách phòng tránh bệnh chàm trên mặt
Bệnh chàm da mặt ở trẻ em và người lớn có thể được kiểm soát thông qua một số biện pháp sau:
– Tránh tiếp xúc với những yếu tố gây bệnh: Gồm bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật, phấn hóa; món ăn nghi ngờ dị ứng; nhiệt độ cao; vải thô gây ngứa; chất tẩy rửa mạnh, xà phòng; khói thuốc lá; căng thẳng; thuốc nhuộm, nước hoa…
– Dưỡng ẩm da mặt hàng ngày: Để tránh da không bị khô ráp và nứt nẻ, bạn có thể sử dụng các sản phẩm như thuốc mỡ, kem dưỡng để dưỡng ẩm da mặt đều đặn 2 lần/ngày.
– Vệ sinh da mặt sạch sẽ: Để phòng bệnh chàm da mặt, bạn cần vệ sinh da mặt sạch sẽ với sữa rửa mặt tối đa 2 lần mỗi ngày, thời điểm là buổi sáng và buổi tối. Nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không dùng nước quá nóng để rửa mặt.
Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, lông thú…
– Sử dụng mỹ phẩm đảm bảo chất lượng: Nên tìm mua các mỹ phẩm chăm sóc da mặt của thương hiệu uy tín, có xuất xứ rõ ràng và được kiểm chứng về chất lượng để tránh gây kích ứng da.
– Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: Tránh để da mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bằng cách hạn chế đi ra ngoài trời năng; thoa kem chống nắng khoảng 30-40 phút trước khi đi ra ngoài; đội mũ và đeo khẩu trang…
– Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học (dành nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn, tập thể dục đều đặn hàng ngày; ngủ sớm và ngủ đủ giấc); chế độ ăn uống hợp lý và đủ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe và đề kháng cơ thể.
Hy vọng những thông tin chúng tôi vừa chia sẻ ở trên đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh chàm da mặt cũng như cách khắc phục và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết và đừng quên đồng hành cùng Yoosun Rau Má trong các bài viết tiếp theo để có thêm nhiều thông ích bổ ích về sức khỏe khác nhé!
Để lại bình chọn cho bài viết của chúng tôi:
Chưa có bình luận!