Bị nhện cắn có sao không? Cách nhận biết, xử lý, phòng tránh
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà
Nhện cắn là tình huống xảy ra khi nhện dùng răng nanh đâm vào da người. Dù không phải tất cả loài nhện đều nguy hiểm, tâm lý chung của nhiều người thường sợ hãi khi nhắc đến nhện. Điều này xuất phát từ việc loài nhện thường bị gắn với hình ảnh độc tố, gây ngộ độc hay biến chứng sức khỏe.
Dù nhện cắn có thể ít phổ biến so với nhiều vết cắn/đốt côn trùng khác, nhưng việc hiểu rõ những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý sẽ giúp phòng tránh được các rủi ro tiềm ẩn. Đồng thời, tránh được tâm lý hoang mang, lo lắng không cần thiết.
I – Tìm hiểu về loài nhện
Nhện (tên khoa học: Araneae) là một bộ động vật chân đốt thuộc lớp hình nhện (Arachnida). Nhện là loài động vật chân đốt đa dạng, hiện diện khắp nơi trên thế giới với vai trò quan trọng trong việc kiểm soát côn trùng và cân bằng sinh thái. Dưới đây là một số thông tin tổng quan giúp bạn hiểu rõ hơn về loài vật này:
1. Đặc điểm phân loại
– Bộ Araneae (Nhện): Thuộc lớp Arachnida (nhện, bọ cạp, ve, mạt…), nằm trong ngành động vật Chân khớp (Arthropoda).
– Đa dạng: Hiện nay, các nhà khoa học đã mô tả được hơn 48.000 loài nhện trên khắp thế giới, với rất nhiều kích cỡ, hình dạng và màu sắc khác nhau.
2. Cấu tạo cơ thể
– Phần đầu ngực và phần bụng: Cơ thể nhện chia làm hai phần chính (khác với côn trùng có ba phần: đầu, ngực và bụng).
– Bộ phận miệng và răng nanh: Nằm ở phía trước, giúp nhện bắt và cắn con mồi. Một số loài có nọc độc để hạ gục hoặc làm tê liệt con mồi.
– Chân: Nhện có 8 chân, là đặc điểm nhận biết quan trọng.
– Tơ nhện: Hầu hết nhện đều có tuyến tơ ở phần cuối bụng, tạo ra tơ để giăng lưới, bắt mồi hoặc bảo vệ con non.
Nhện rất hiếm khi cắn người trừ khi bị đe dọa
3. Môi trường sống
– Phân bố toàn cầu: Nhện có thể sống gần như khắp nơi trên thế giới, từ rừng mưa nhiệt đới đến sa mạc khắc nghiệt, thậm chí cả những vùng băng giá.
– Môi trường xung quanh con người: Thường trú ẩn ở nơi ít người lui tới, chẳng hạn gầm giường, góc tủ, xó xỉnh tối… Nhờ đó, chúng bắt côn trùng như muỗi, gián và giúp giảm bớt quần thể sâu bọ hại.
4. Tập tính và sinh hoạt
– Phần lớn nhện là loài săn mồi: Nhiều loài giăng lưới để bắt côn trùng. Tuy nhiên, cũng có loài nhện chạy nhanh và tấn công trực tiếp (ví dụ: nhện sói, nhện nhảy).
– Kiểm soát số lượng côn trùng: Vai trò sinh thái quan trọng, giữ cân bằng hệ sinh thái bằng cách ăn các loài sâu bọ gây hại.
– Sinh sản: Nhện đực thường nhỏ hơn nhện cái, và có những tập tính cầu kỳ trong giao phối. Nhện cái thường đẻ trứng trong tổ tơ và canh giữ đến khi trứng nở.
5. Tầm quan trọng và lợi ích
– Kiểm soát côn trùng: Góp phần bảo vệ mùa màng, hạn chế sâu bọ gây hại trong nông nghiệp.
– Hỗ trợ nghiên cứu khoa học: Tơ nhện có đặc tính bền, dai, đàn hồi tốt; nọc độc của nhện được nghiên cứu trong y học (chế tạo thuốc giảm đau, chất kháng viêm…).
– Ý nghĩa sinh thái: Nhện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, góp phần duy trì cân bằng sinh thái.
II – Nhện cắn là như thế nào? Hình ảnh vết nhện cắn
Nhện cắn là hiện tượng xảy ra khi một con nhện dùng cặp răng nanh (nằm ở phần đầu) chích vào da người (hoặc động vật). Đa số trường hợp nhện cắn xảy ra do nhện cảm thấy bị đe dọa và tự vệ, chứ chúng không chủ động tấn công con người. Tùy vào loài nhện cũng như cơ địa của người bị cắn, vết thương có thể chỉ gây sưng đau nhẹ hoặc dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu nhện có nọc độc mạnh.
Hình ảnh vết nhện cắn.
III – Nguyên nhân bị nhện đốt
Lý do bị nhện đốt thường xuất phát từ những tình huống mà nhện và con người “vô tình” tiếp xúc gần hoặc khiến nhện cảm thấy bị đe dọa. Cụ thể:
1. Xâm phạm không gian sinh sống của nhện
Nhện thường trú ẩn ở những nơi kín đáo như gầm giường, góc tủ, kho bãi hoặc các khu vực ít người qua lại. Khi con người vô tình xâm phạm vào không gian này (ví dụ: khi dọn dẹp, chuyển đồ đạc), nhện có thể kích động phản xạ tự vệ bằng cách đốt.
2. Tiếp xúc không cẩn thận với đồ vật hoặc môi trường có nhện
Khi lấy đồ từ nơi để lâu không sử dụng như quần áo, giày dép, chăn màn… nếu không kiểm tra kỹ có thể chứa nhện.
Ngồi xuống những nơi có nhiều bụi bẩn, tạp âm hoặc không được vệ sinh thường xuyên cũng có thể khiến bạn tiếp xúc với nhện.
3. Bị ép, chà xát hoặc đè lên nhện một cách vô tình
Trong lúc vận động như nằm ngủ, xoay người, hay khi dọn dẹp, nếu vô tình đè lên nhện thì nhện sẽ phản ứng bằng cách đốt để tự vệ.
4. Tò mò và tiếp xúc trực tiếp với nhện
Việc cố ý bắt nhện hay sờ vào nhện cũng có thể khiến chúng hoảng sợ và cắn lại như một phản ứng tự vệ.
5. Môi trường sống ẩm ướt, bẩn hoặc không được dọn dẹp thường xuyên
Ở những nơi có độ ẩm cao và ít dọn dẹp, nhện có xu hướng sinh sống và phát triển. Điều này làm tăng khả năng tiếp xúc của con người với nhện trong nhà.
IV – Các loài nhện phổ biến và mức độ nguy hiểm
Một số loài nhện phổ biến mà bạn có thể gặp trong cuộc sống, kèm theo đánh giá về mức độ nguy hiểm của chúng
1. Nhện vô hại (hoặc ít độc)
Đặc điểm chung:
– Kích thước nhỏ, nọc độc thường rất yếu hoặc không đủ mạnh để gây hại đáng kể cho người.
-Thường sống trong môi trường nhà ở, vườn cây hoặc các nơi có nhiều côn trùng, do vậy chúng có vai trò giúp điều tiết số lượng sâu bọ gây hại.
-Phản ứng tự vệ khi bị quấy rầy; hầu như không tấn công chủ động con người.
Ví dụ cụ thể:
– Nhện nhà (House Spider): Loài nhện này thường giăng lưới ở các góc tường, gầm giường, hoặc hầu hết những nơi tối tăm trong nhà. Vết cắn của nhện nhà hiếm khi gây ra biểu hiện mạnh, chỉ có thể là một chút ngứa nhẹ hoặc đỏ ở chỗ bị cắn.
– Nhện vườn: Phổ biến trong các khu vực có nhiều cây cối và bụi rậm, chúng giúp bắt các loài côn trùng phá hoại cây trồng nhưng hầu như vô hại đối với con người.
2. Nhện độc cần chú ý
Mặc dù phần lớn các loài nhện không có khả năng gây nguy hiểm lớn, nhưng một số ít loài có nọc độc mạnh, cần được nhận diện và phòng tránh:
2.1. Nhện góa phụ đen (Black Widow)
– Đặc điểm nhận dạng: Thân hình nhỏ, màu đen bóng, thường có dấu hiệu đặc trưng là hình đồng hồ cát màu đỏ hoặc cam ở phần bụng dưới.
– Mức độ nguy hiểm: Nọc của nhện góa phụ đen có tác dụng lên hệ thần kinh, gây ra co thắt cơ, đau dữ dội và trong một số trường hợp có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, gặp phải nhện góa phụ đen khá hiếm, và vết cắn chủ yếu xảy ra khi con người vô tình làm xáo trộn hoặc chạm vào nơi sinh sống của chúng.
2.2. Nhện ẩn dật nâu (Brown Recluse)
– Đặc điểm nhận dạng: Có màu nâu, kích thước nhỏ, thường có một dấu hiệu đặc trưng hình “đàn vĩ cầm” ở lưng.
– Mức độ nguy hiểm: Nọc độc của nhện ẩn dật nâu có thể gây hoại tử mô (tế bào chết) ở vùng bị cắn, tạo ra vết loét khó lành. Mặc dù trường hợp cắn bằng loại nhện này không quá phổ biến, nhưng khi xảy ra thì cần được điều trị y khoa ngay để tránh biến chứng nghiêm trọng.
2.3. Các loài nhện khác
Một số loài nhện lang thang, nhện chuột hay các loài nhện có kích thước lớn hơn cũng có nọc độc với mức độ tác động khác nhau. Tuy nhiên, các loài này thường chỉ tấn công khi bị khiêu khích hoặc khi chúng cảm thấy bị đe dọa và thường xuất hiện ở những khu vực nhất định.
V – Dấu hiệu nhận biết khi bị nhện cắn
Khi bị nhện cắn, các dấu hiệu nhận biết có thể khác nhau tùy thuộc vào loài nhện (độc hay vô hại) và cơ địa của người bị cắn. Dưới đây là những dấu hiệu thường gặp:
1. Vết cắn ban đầu
– Đau nhói, rát: Cảm giác như bị kim châm, hơi đau hoặc rát ngay lập tức sau khi nhện cắn.
– Hai dấu chấm nhỏ: Vết cắn thường để lại hai chấm nhỏ, là dấu vết của răng nanh nhện.
Hai dấu chấm nhỏ khi bị nhện cắn là đặc điểm nhận dạng khá điển hình, thường xuất hiện tại vị trí da tiếp xúc trực tiếp với răng nanh của nhện
2. Phản ứng tại chỗ
– Sưng và đỏ: Da vùng bị cắn có thể chuyển sang màu đỏ, sưng tấy do phản ứng viêm của cơ thể.
– Ngứa: Sau cắn, vùng da bị kích thích có thể gây ngứa, làm tăng cảm giác khó chịu.
– Nổi mụn nước hoặc phồng rộp: Một số trường hợp, nếu nhện có nọc độc, vùng da xung quanh vết cắn có thể xuất hiện những đốm mụn nước hoặc bọng nước.
3. Triệu chứng toàn thân (trong trường hợp bị nhện độc)
– Buồn nôn, chóng mặt: Nếu nọc độc lan vào cơ thể, bạn có thể cảm thấy buồn nôn hoặc chóng mặt.
Nhện độc cắn có thể làm vết thương loét lan rộng hoặc hoại tử
Nhện cắn ở chân
Nhện độc cắn gây lở loét da
– Ra mồ hôi hoặc sốt: Một số trường hợp cho thấy phản ứng toàn thân với nọc độc, biểu hiện qua việc ra mồ hôi nhiều hoặc sốt nhẹ đến cao.
– Đau cơ, co giật: Nếu nọc độc có tác dụng lên hệ thần kinh, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như đau cơ, co giật hoặc khó thở.
VI – Bị nhện cắn có nguy hiểm không?
Không, hầu hết các trường hợp nhện cắn không gây nguy hiểm lớn cho người
Giải thích:
– Đa số các loài nhện phổ biến (như nhện nhà, nhện vườn) có nọc độc rất yếu, chỉ gây ra các triệu chứng nhỏ như sưng, đỏ, đau nhói hoặc ngứa tại chỗ bị cắn, giống như khi bị ong đốt.
– Các phản ứng này thường tự khỏi sau vài giờ đến vài ngày mà không cần điều trị đặc biệt.
Tuy nhiên, có một số trường hợp hiếm gặp khi bị nhện cắn có thể nguy hiểm, đặc biệt nếu bị nhện độc như nhện góa phụ đen hoặc nhện ẩn dật nâu. Ở những trường hợp đó, nọc độc có thể gây ra các triệu chứng toàn thân nghiêm trọng như đau dữ dội, khó thở hoặc co giật, đặc biệt ở những đối tượng có cơ địa yếu như trẻ nhỏ, người già hoặc người có bệnh nền. Vì vậy, nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng, cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
VII – Làm gì khi bị nhện cắn? Cách xử lý
Bị nhện cắn phải làm sao? Đừng lo! Dưới đây là cách xử lý nhanh – và đừng quên phân biệt nhện thường và nhện độc nhé!
1. Nhện nhà cắn
Bước 1 – Rửa sạch vết cắn: Dùng xà phòng và nước sạch để rửa. Thấm khô vết thương bằng khăn/gạc sạch.
Bước 2 – Chườm lạnh: Dùng túi đá hoặc khăn lạnh áp lên khu vực bị cắn khoảng 10-15 phút. hoặc có thể sản phẩm có chứa thành phần rau má, D-panthenol để giảm sưng, giảm đau và ngứa.
(Xem thêm: thành phần của kem rau má)
Bước 3 – Dùng thuốc giảm đau/kháng histamin (nếu cần): Có thể dùng các thuốc không kê đơn như Paracetamol (giảm đau, hạ sốt) hoặc thuốc kháng histamin (giảm ngứa).
Lưu ý: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc tham khảo ý kiến dược sĩ/bác sĩ.
Bước 4 – Theo dõi vết cắn:
– Nếu vết cắn giảm đau và sưng sau 1-2 ngày, đó là dấu hiệu lành tính.
– Vết thương thường sẽ tự khỏi, không cần can thiệp y khoa đặc biệt.
2. Nhện độc cắn
Bước 1 – Làm sạch vết cắn: Rửa ngay bằng xà phòng và nước sạch để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Bước 2 – Cố gắng hạn chế vận động: Giữ cho vùng bị nhện cắn cố định, tránh vận động mạnh để giảm tốc độ lan của nọc độc.
Bước 3 – Chườm lạnh: Đặt túi đá hoặc khăn lạnh lên vết cắn 10-15 phút, giúp làm chậm quá trình hấp thu nọc độc và giảm đau.
Bước 4 – Không tự ý nặn hay rạch vết cắn: Hành động này có thể khiến nhiễm trùng lan rộng hoặc đẩy nọc độc vào sâu hơn.
Bước 5 – Đi khám bác sĩ ngay: Nếu có triệu chứng nghiêm trọng (nêu trên) hoặc nghi ngờ loài nhện cắn là loài độc nên đi gặp bác sĩ ngay
VIII – Cách tránh bị nhện cắn
Nhện cắn không đáng sợ nếu bạn biết những mẹo phòng tránh cực đơn giản sau đây.
1. Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát
– Dọn dẹp định kỳ các góc tối, góc tủ, gầm giường – nơi nhện thường làm tổ.
– Hút bụi, lau sàn, loại bỏ mạng nhện để giảm môi trường sinh sống của chúng.
– Cắt tỉa cây cối quanh nhà, không để cây cối mọc um tùm sát cửa sổ, hiên nhà.
2. Ngăn chặn nhện xâm nhập vào nhà
– Đóng kín cửa ra vào và cửa sổ, nhất là ban đêm.
– Gắn lưới chống côn trùng, bịt kín các khe hở, lỗ thông gió, đường ống…
– Không để đèn sáng gần cửa ra vào vào buổi tối vì đèn thu hút côn trùng – nguồn thức ăn của nhện.
3. Kiểm tra kỹ đồ dùng trước khi sử dụng
– Luôn kiểm tra quần áo, giày dép, mền gối, khăn tắm… trước khi dùng – đặc biệt nếu chúng đã để lâu không sử dụng.
– Khi đi du lịch hoặc cắm trại, không để quần áo hoặc túi xách sát mặt đất qua đêm.
Dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ giúp phòng tránh nhện cắn hiệu quả.
4. Đeo đồ bảo hộ khi làm việc ngoài trời
– Khi làm vườn, dọn kho, cắt cây… nên đeo găng tay, mang ủng hoặc giày cao cổ.
– Hạn chế đưa tay trần vào các khe đá, bụi rậm hoặc nơi tối tăm.
5. Kiểm soát côn trùng trong nhà
– Nhện thường xuất hiện ở nơi có nhiều côn trùng nhỏ (muỗi, ruồi, gián…).
– Sử dụng biện pháp xua đuổi hoặc diệt côn trùng để giảm nguồn thức ăn, từ đó hạn chế nhện đến gần khu vực sinh sống.
6. Không tiếp xúc hoặc bắt nhện bằng tay trần
– Tránh chơi đùa hoặc cố bắt nhện, đặc biệt khi không biết chắc đó là loài gì.
– Nếu thấy nhện lạ hoặc nghi có độc, nên dùng dụng cụ bắt nhện hoặc gọi chuyên gia kiểm soát côn trùng.
IX – Thắc mắc thường gặp khi bị nhện đốt
Khi bị nhện cắn, có nhiều câu hỏi được đặt ra. Cùng xem qua những thắc mắc thường gặp nhất nhé!
1. Có cần hút nọc độc khi bị nhện cắn không?
Không nên. Việc hút nọc bằng miệng có thể gây nhiễm trùng và không hiệu quả. Thay vào đó, hãy rửa sạch vết cắn và chườm lạnh để làm dịu.
2. Có cần chích ngừa uốn ván sau khi bị nhện cắn?
Thông thường, nhện không truyền vi khuẩn gây uốn ván. Tuy nhiên, nếu vết thương nhiễm trùng hoặc không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể xem xét chỉ định tiêm phòng nếu bạn chưa tiêm trong vòng 5–10 năm gần nhất.
3. Nhện cắn có để lại sẹo không?
Có thể, nếu vết cắn bị nhiễm trùng, loét sâu hoặc thuộc loài nhện độc gây hoại tử mô (ví dụ nhện ẩn dật nâu). Tuy nhiên, với nhện thường, vết cắn thường lành nhanh và không để lại sẹo nếu được xử lý đúng cách.
4. Có nên đắp thuốc hoặc lá cây dân gian khi bị nhện cắn?
Không nên tự ý đắp lá hoặc thuốc không rõ nguồn gốc. Một số mẹo dân gian có thể gây kích ứng hoặc nhiễm trùng nặng hơn. Nếu muốn dùng biện pháp hỗ trợ từ thiên nhiên (như nha đam mát da), hãy đảm bảo sạch, an toàn và không gây dị ứng.
5. Bị nhện cắn có bị nhiễm trùng máu không?
Hiếm gặp, nhưng có thể xảy ra nếu vết cắn bị nhiễm khuẩn, không được vệ sinh sạch sẽ hoặc bị chà xát, nặn mủ. Đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ nhiễm trùng nặng sẽ cao hơn.
6. Vết nhện cắn mất bao lâu thì lành?
– Với nhện không độc: khoảng 3 – 7 ngày, tùy cơ địa.
– Với nhện độc hoặc vết thương sâu: có thể mất vài tuần, đặc biệt nếu có hoại tử mô.
7. Trẻ em bị nhện cắn có nguy hiểm hơn không?
Có, vì cơ thể trẻ nhỏ nhạy cảm hơn với độc tố, dễ phản ứng mạnh hoặc sốc. Nếu trẻ bị cắn và có biểu hiện lạ (khó thở, khóc dai, sốt…), phải đưa đến bệnh viện ngay.
Nếu chẳng may bị nhện cắn, đừng hoảng sợ – hãy bình tĩnh áp dụng các biện pháp sơ cứu và theo dõi kỹ triệu chứng. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, vì vậy hãy giữ môi trường sống sạch sẽ và an toàn.
Tham khảo thêm:
Tài liệu tham khảo:
1. Insect bites and stings
https://medlineplus.gov/ency/article/000033.htm
2. How to Identify and Treat Spider Bites
https://www.healthline.com/health/spider-bites
3. Spider Bites
https://www.msdmanuals.com/home/injuries-and-poisoning/bites-and-stings/spider-bites
Để lại bình chọn cho bài viết của chúng tôi:
Chưa có bình luận!